Trong hàng thế kỷ, trẻ con Anh thường hát và nhảy theo nhạc điệu của bài London Bridge is falling down (Cầu London đang đổ xuống); nhưng đến khi các kỹ sư phát hiện ra cây cầu đang thực sự bị lún vào đầu những năm 1900, thì đó không còn là câu chuyện cười nữa.

Lúc đó, cây cầu đá mới chỉ tồn tại gần một thế kỷ, và là một trong những địa điểm nhộn nhịp nhất ở London – có khoảng 8.000 người đi bộ và 900 phương tiện qua lại mỗi giờ. Sau nhiều cuộc khảo sát, các kỹ sư kết luận, cầu đang dần lún xuống, dù chậm, khoảng 1/3 cm mỗi năm. Những đo đạc được thực hiện vào năm 1924 cũng chỉ ra, đầu phía Đông của cây cầu đang bị thấp hơn phần phía Tây tới 9 cm.

Cầu London trước khi bị tháo rời và bán sang Mỹ. Ảnh: Shutterstock.
Cầu London trước khi bị tháo rời và bán sang Mỹ. Ảnh: Shutterstock.

Thêm bốn thập kỷ nữa trôi qua trước khi Hội đồng thành phố (City Council) có thể đưa ra một quyết định “gây chấn động”. Đó là khi ông Ivan Luckin (nghị viên Hội đồng) gợi ý nên bán cây cầu, thay vì phá hủy nó. Đề nghị trên, ngay lập tức đã gặp phải nhiều hoài nghi, nhưng sau nhiều cân nhắc, Hội đồng đã chấp thuận (vì vừa không tốn công tháo dỡ, lại vừa thu được tiền) và bắt đầu đăng tin rao bán. Đó là năm 1967. Sóng gió nổi lên ào ào, dân biểu John Jennings đã thảo một kiến nghị với hàng trăm chữ ký thu thập được gửi đến chính phủ, đòi chặn ngay kế hoạch bán tháo một phần máu thịt của Đế quốc từng không bao giờ biết đến “mặt trời lặn”. Nhưng tâm thư chưa kịp đến tay chính phủ thì đã có rất nhiều người bày tỏ sự hứng thú. Trong đó, một cậu nhóc 7 tuổi từ Canada đã gửi thư kèm theo 2 USD: “Mẹ cháu nói là các ông định bán cây cầu. Cháu có mua được không?”. Luckin đã gửi trả lại 2 USD và kèm một viên đá lấy ở chân cầu. Những tháng tiếp theo, trước việc không có bất cứ một đề nghị chắc chắn nào, khoảng 5 tuần trước ngày khóa sổ (28/3/1968), Luckin đã tình nguyện sang Mỹ để tìm khách mua.

Trong cuộc họp báo tại Phòng Thương mại Anh-Mỹ (British-American Chamber of Commerce) ở New York, khi được hỏi điều gì khiến cây cầu trở nên đặc biệt – bởi trên thực tế, nó không hề quá cũ (được xây dựng năm 1832), cũng không có nhà ở trên đó, hay giống như chủ đề của bài đồng dao mẫu giáo (giai điệu còn xuất hiện trước cả cây cầu), Luckin đã trả lời: “London Bridge không đơn thuần chỉ là một cây cầu. Đó là sự kế thừa của gần 2.000 năm lịch sử, từ thế kỷ thứ nhất sau Công nguyên, khi mới hình thành khu định cư La Mã Londinium ...” Sau cuộc họp báo, triệu phú Robert McCulloch, một doanh nhân thành đạt ở Missouri và chủ sở hữu công ty dầu mỏ McCulloch Oil, đã ký hợp đồng mua cây cầu với giá 2,46 triệu USD. Tiếp đó, ông này còn mua được hàng ngàn mẫu đất gần hồ Havasu ở bang Arizona – một thủy vực rộng lớn, được hình thành nên bởi con đập trên sông Colorado, Với điều kiện là phải tiếp tục đầu tư phát triển khu đất. Tại đây, McCulloch đã cho thành lập cộng đồng dân cư Lake Havasu City, nhưng gặp khó khăn trong việc thu hút khách mua bất động sản tiềm năng. Khi nghe người cộng sự C.V. Wood nói về việc người Anh đang rao bán cầu London, ông kết luận đó chính là thứ mà hồ Havasu đang cần để biến nơi đây thành một thành phố nghỉ dưỡng và địa điểm du lịch hấp dẫn.

Toàn bộ cấu trúc cầu dài khoảng 950 feet (289.5 m) và nặng 33.000 tấn đã được tháo dỡ cẩn thận thành từng khối, đóng gói vào thùng và vận chuyển qua Kênh đào Panama tới Long Beach, bang California. Từ Long Beach, các khối đá granite lại được chở bằng xe tải, đi hết quãng đường 300 dặm (480 km) để đến đích cuối cùng. Ước tính, McCulloch đã tốn khoảng 7 triệu USD chỉ để vận chuyển các khối đá. Tiếp đó là công đoạn lắp ghép lại cấu trúc phức tạp. May mắn thay, mọi thứ đã được lên kế hoạch tỉ mỉ từ trước. Khi tháo dỡ, các công nhân đã cẩn thận đánh số từng viên đá theo thứ tự (2D37, 2D38, 2DE39 ... ), vì vậy quá trình tái dựng lại cây cầu, dù diễn ra chậm chạp và công phu,mất tới 3 năm để hoàn thành – đã không gặp phải bất cứ trục trặc nào. Tất nhiên, một vài khối đá đã bị hư hại trong quá trình vận chuyển, cho nên phải thay thế bằng vật liệu bản địa; và để khiến những viên đá mới mang vẻ ngoài cũ kỹ (như đã trải qua cả thế kỷ) người ta đã phủ chúng bằng bồ hóng từ các vòi đốt dầu hỏa. Để đảm bảo cây cầu có thể chịu được mật độ giao thông hiện đại, người ta đã cho chế tạo một lõi rỗng bằng bê tông cốt thép gia cố rồi đặt các khối granit cũ lên trên đó. Do không hề có sông tự nhiên ở Lake Havasu City, cây cầu đã được dựng lên trên vùng đất khô, nhưng sau khi dự án gần hoàn tất, họ đã cho đào một con kênh dài cả dặm ngay bên dưới và dẫn nước từ hồ Havasu vào.

Cầu London (trên đất Mỹ) chính thức được khánh thành vào ngày 10/10/1971, bằng một chương trình phô trương hổ lốn nhất trong lịch sử. McCulloch đã cho tổ chức một màn diễu hành hoành tráng với các kỵ sĩ vận áo giáp Trung cổ, người da đỏ với trang phục truyền thống, cowboy trên lưng ngựa, đoàn xe tải kết hoa, … Các thượng khách được chở đến bằng tàu thủy hơi nước, trong đó có cả đương kim thị trưởng London trong bộ lễ phục lông thú giữa trời nắng gắt trên 40 độ. Một khinh khí cầu mang màu cờ Anh bay lên khỏi mặt đất, với 3.000 con bồ câu trắng trong tiếng chuông trang nghiêm của Điện Westminster (từ băng ghi âm). Sau loạt đạn vang dội từ 19 khẩu đại bác, hai quốc thiều “Chúa ban phước cho Nữ hoàng” và “Cờ hoa” vang lên, đó là hiệu lệnh cho đoàn diễu hành qua cầu. Từ tàu thủy, McCoulloch hài lòng ngắm kiệt tác 7,5 triệu USD của mình. “Cầu London sẽ đem lại cho Lake Havasu City mỗi năm 5 triệu du khách. Nếu mỗi người ăn một chiếc hotdog thôi thì tôi cũng đã hoàn vốn rồi” - và quả thực ông đã dự đoán rất tài tình, cho đến tận ngày nay.

Cầu London ngày nay ở Lake Havasu City, bang Arizona. Ảnh: Shutterstock.
Cầu London ngày nay ở Lake Havasu City, bang Arizona. Ảnh: Shutterstock.

Canh bạc mà McCulloch đặt cược đã thắng lớn, khi doanh số bán đất ở Lake Havasu City bỗng chốc tăng vọt. Từ một cộng đồng heo hút, chỉ có khoảng vài trăm người trong thập niên 1960, quy mô dân số của thành phố đã bùng nổ, lên tới 10.000 vào năm 1974. Cũng trong cùng năm, cây cầu đã giúp thành phố mới thu hút gần hai triệu du khách đến thăm. Ngày nay, Lake Havasu City đang là nơi sinh sống của hơn 52.000 cư dân. Đối với họ, cây cầu là một phần không thể thiếu của cuộc sống thường nhật, chức năng là lối đi duy nhất đến và đi ra từ bến du thuyền. “Tuy nhiên, cảm giác mới lạ khi lái xe qua cầu London, giờ đây đã không còn nữa” – trang RoadsideAmerica viết.

Người Anh nổi tiếng là có kiểu hài hước không giống ai, nhưng những gì dính đến truyền thống của đất nước thủ cựu này thì không phải là đối tượng để có thể đem ra cợt nhả. Chẳng thế mà trong bài diễn văn We shall fight on the beaches (chúng ta sẽ chiến đấu trên bờ biển) của cố Thủ tướng Wiston Churchill tại Nghị viện ngày 4/6/1940, kêu gọi phải biến nước Anh thành thành trì chống phát xít cuối cùng của cả châu Âu, hầu hết các thành viên Thượng Viện và Hạ Viện đã vô cùng tức giận trước viễn cảnh (tưởng tượng): một ngày nào đó, lá cờ chữ Thập ngược (biểu tượng của Hitler) sẽ tung bay trên nóc cung điện Buckingham, lâu đài Windsor hay quảng trường Piccadilly, … giúp Churchill giành được sự ủng hộ tuyệt đối để dẫn dắt đảo quốc tới thắng lợi cuối cùng, và họ tự hào về điều đó. Tuy nhiên, người Anh cũng lại là một dân tộc vô cùng thực dụng, khi họ sẵn sàng đem bán cả một biểu tượng gắn với lịch sử như cầu London, … Còn hiện nay, rất nhiều tên tuổi truyền thống, thương hiệu “hái ra tiền” của nước Anh như MU, Chelsea, Man City, Liverpool, Arsenal, … cũng đã lần lượt rơi vào tay các ông chủ ngoại.